Bách khoa toàn thư bí kíp cấp cứu làn da cháy nắng
Điều trị cháy nắng luôn bắt đầu với việc ngăn ngừa và hạn chế không cho da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là vào thời điểm giữa trưa, khi nhiệt độ đang ở mức cao nhất. Bạn thường xuyên phải sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng cao. Nếu da chẳng may bị cháy nắng, cần có những biện pháp cấp cứu làn da cháy nắng kịp thời, nhằm giảm đau và chữa lành vết thương ngoài da hiệu quả.
1. Cháy nắng là gì?
Làn da cháy nắng là một loại bỏng phóng xạ, gây ra bởi sự phơi nhiễm quá mức của tia cực tím (UV) từ mặt trời. Điều này gây ra tổn thương DNA trực tiếp ở các tế bào da, đồng thời kích hoạt phản ứng miễn dịch để phòng thủ. Lúc này, cơ thể phá hủy các tế bào bị hư hỏng thông qua một quá trình được gọi là apoptosis. Khi các lớp mô chết bắt đầu bong ra, cơ thể sẽ tự động sửa chữa DNA bị hỏng để các tế bào mới có thể thay thế các tế bào cũ. Nó cũng sẽ sản xuất thêm melanin, một loại sắc tố giúp hấp thụ tốt hơn bức xạ UV để ngăn ngừa những thiệt hại trong tương lai.
Nếu tiếp xúc quá nhiều với bức xạ UV, da sẽ bắt đầu chuyển sang màu đỏ trong vòng 30 phút đến 6 giờ đồng hồ. Cơn đau rát sẽ lên đến đỉnh điểm từ khoảng 6 đến 48 giờ. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết bỏng, các triệu chứng như đau, ngứa, phồng rộp và sưng tấy sẽ tiếp tục diễn ra trong 1 đến 3 ngày. Buồn nôn, sốt, ớn lạnh hoặc thậm chí ngất xỉu cũng có thể xảy ra nếu chúng ta bị cháy nắng nghiêm trọng. Quá trình lột da có thể bắt đầu trong vòng 3 đến 8 ngày và tiếp tục trong vài tuần ở một số trường hợp.
2. Ngăn ngừa làn da cháy nắng
Để giảm thiểu những thiệt hại do ánh nắng mặt trời gây ra, chúng ta sẽ cần tránh đi ra ngoài nắng trong khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 4 giờ chiều, khi chỉ số UV ở mức cao nhất. Nếu bạn phải ở ngoài trời, cần phải bôi kem chống nắng, che chắn cho cơ thể và ở trong bóng râm nếu có thể. Bạn nhớ thoa lại kem chống nắng sau 2 đến 3 giờ hoặc sau khi bơi hay cơ thể ra mồ hôi nhiều.
3. Cấp cứu làn da cháy nắng kịp thời
Bước đầu tiên để điều trị một làn da cháy nắng chính là nhận biết các triệu chứng đang diễn ra. Ngay khi phát hiện da đang tấy đỏ, bạn cần lập tức che chắn và thoát khỏi vùng ánh nắng mặt trời. Ngay khi bạn đã ở ngoài khu vực có nắng, hãy thực hiện các biện pháp sau đây:
- Thường xuyên tắm mát để giảm đau rát. Đồng thời, hãy ở trong phòng điều hòa mát mẻ.
- Thoa kem dưỡng ẩm sau mỗi lần tắm. Việc làm này sẽ giúp giảm ngăn ngừa quá trình thoát ẩm, giúp giảm bớt cảm giác ngứa ngáy khó chịu.
- Thoa tinh chất đậu nành hoặc lô hội. hai nguyên liệu tự nhiên này vừa có tác dụng làm mát, lại có thể giảm đau cho da. Bạn có thể tăng cường hiệu quả cho chúng bằng cách để trong tủ lạnh trước khi thoa lên làn da cháy nắng. Bạn lưu ý không bôi bơ, bơ ca cao hoặc bất kỳ loại tinh dầu nào lên da khi bị cháy nắng.
- Thoa kem hydrocortisone 1% lên vùng da bị thương. Bạn có thể thoa kem hydrocortisone không cần kê đơn 3 lần mỗi ngày để giúp da không bị vỡ, bao gồm cả vùng da xung quanh mụn nước. Không sử dụng benzocaine hoặc bất kỳ loại thuốc mỡ nào có hậu tố “-caine” vì chúng có thể gây kích ứng thêm cho làn da cháy nắng.
- Uống thêm thật nhiều nước. Da bị phồng rộp có thể gây mất nước. Uống thêm nước ngăn ngừa tình trạng này cũng như hỗ trợ làn da phục hồi vết thương.
- Uống ibuprofen hoặc aspirin để giảm đau, nếu cần.
- Tuyệt đối không đụng vào mụn nước mà hãy để nó tự chữa lành tự nhiên. Nếu da bắt đầu ngứa khi vết sưng phồng khô lại, hãy thoa kem dưỡng ẩm thay vì gãi hoặc ngoáy vào vết thương.
- Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong khi điều trị làn da cháy nắng. Nếu bạn cần ở ngoài trời, hãy mặc quần áo bảo hộ kỹ càng với kiểu dệt chặt chẽ. Tất nhiên, không thể quên thoa kem chống nắng với SPF tối thiểu là 30.
Hy vọng bách khoa toàn thư những bí kíp cấp cứu làn da cháy nắng trên đây sẽ bổ ích cho tất cả các bạn.